Bởi vì thấu hiểu cho nên từ bi
Phan_17
Sống chết đối với bà, giống như hoa nở hoa tàn, quá sức tầm thường. Xưa nay, bà không sợ một ngày nào đó mình đột nhiên chết đi, cũng không mong ngày ấy tới, bởi vì bà biết, nhân quả sớm đã được định đoạt. Cho nên, bà để bản thân sống một cách cô độc, được năm nào hay năm đó, được ngày nào hay ngày đó. Sinh mệnh chỉ là một loại tồn tại giản đơn, gánh nặng trần thế đã bị vứt bỏ, thì không còn quan trọng nữa.
Năm 1992, Lâm Thức Đồng đột nhiên nhận được một lá thư quan trọng của Trương Ái Linh, đó là bản sao di chúc của Trương Ái Linh. Nội dung của bản di chúc này là: Một, tất cả đồ đạc cá nhân đều để lại cho vợ chồng Tống Kỳ ở Hương Cảng; hai, không cử hành bất cứ hình thức tang lễ nào, hỏa táng di thể, tro cốt có thể rắc ở bất cứ cánh đồng nào. Người thực thi di chúc là Lâm Thức Đồng.
Có lẽ, Trương Ái Linh sợ hành động của mình khiến Lâm Thức Đồng cảm thấy đột ngột, nên trong thư bà giải thích: Mua được tờ bảng biểu trong hiệu sách nên nhân thể viết một trang di chúc, tránh việc số tiền còn lại sau khi chết sẽ bị sung công. Trên thực tế, Trương Ái Linh thấy những người bên cạnh, từng người từng người một ra đi, tan biến trong tro bụi của thời gian, bà biết, mình không còn xa cái ngày đó nữa. Dù bà không để tâm đến sống chết, nhưng bà vẫn nên sắp xếp ổn thỏa chuyện hậu sự của bản thân.
Nhưng bà không hề biết, sau khi bà qua đời, Nhà xuất bản Hoàng Quán và nhiều nhà xuất bản ở đại lục đã vì bản quyền tác phẩm của bà, mà gây nên những vụ kiện tụng vô cùng vô tận. Thắng thua thành bại đối với bà, cũng không còn bất cứ dây dưa mắc mớ nào nữa. Bà đã giao phó bản thân cho tử thần, mà người còn sống, cũng là sống vì sứ mệnh của bản thân. Đối với cuộc tranh đoạt ngoài ý muốn của bọn họ. Trương Ái Linh có thể thấu hiểu một cách sâu sắc, bởi bà đã từng sống một cách nghiêm túc và đầy cố gắng.
Tưởng chừng như Trương Ái Linh bàn giao bản di chúc lại một cách tình cờ như thế, nhưng cũng khiến cho Lâm Thức Đồng cảm thấy ngạc nhiên. Trong Có duyên quen biết Trương Ái Linh, ông từng nói: “Vừa đọc xong, tôi cảm thấy người này thật kỳ quái, sao lại gửi cho tôi di thư làm gì…? Trong di thư có nhắc đến Tống Kỳ, tôi lại không quen biết người này, trong thư cũng không nói rõ cách liên lạc với vợ chồng họ, mà chỉ nói nếu tôi không thể làm người thực thi di chúc, thì có thể để cô ấy mời người khác. Trương Ái Linh vẫn ổn đấy chứ? Mẹ tôi còn lớn tuổi hơn cô ấy, nhưng không hề bị lẫn chút nào…”. Về sau, Lâm Thức Đồng cũng không đáp lại bà, vì ông cho rằng, đây vẫn là chuyện còn xa vời, thậm chí, ông còn quên mất việc này.
Viết xong lá thư này, Trương Ái Linh lại giấu mình ở nơi sâu kín tít mù khơi. Ngay đến Lâm Thức Đồng cũng không biết mấy năm về sau này, rốt cuộc Trương Ái Linh sống thế nào. Trương Ái Linh vẫn như trước đây, tuy ở giữa hồng trần, nhưng lại giống ở giữa thâm sơn cùng cốc. Thi thoảng ra ngoài tản bộ, mua chút đồ dùng hàng ngày, mấy lần đi hiệu sách, có gặp hàng xóm cũng không thích chào hỏi.
Nhưng Trương Ái Linh vẫn chưa thể thanh thản hoàn toàn, trong lòng bà, còn có việc vẫn chưa hoàn thành, đó chính là tri kỉ cả đời của bà – văn chương. Ngoài cuốn Đối chiếu ký gồm cả hình lẫn chữ đó, bà còn viết lại cuốn tiểu thuyết trường thiên mang tính tự thuật, Tiểu đoàn viên. Bà hy vọng có một ngày sau khi bà ra đi, còn có thể để lại cho đời những gì liên quan đến bà. Bản thảo cuốn Tiểu đoàn viên, vốn định hoàn thành vào năm 1993, sau lại ưu tiên xuất bản cuốn Đối chiếu ký trước, nên phải gác lại, và nó đã trở thành một câu chuyện không có hồi kết.
Tiểu đoàn viên trở thành tác phẩm thần bí của Trương Ái Linh, tác phẩm này đã được bà sáng tác trong hơn hai mươi năm, cho đến trước khi bà qua đời vẫn chưa thể được hoàn thành, và trước đó bản thảo này cũng chưa từng được tiết lộ. Duy chỉ có mấy người bạn thân Tống Kỳ, giám đốc tập đoàn văn hóa Hoàng Quán Đài Loan Bình Hâm Đào là được đọc qua bản thảo này, Trương Ái Linh từng yêu cầu tiêu hủy nó trong bản di chúc, nhưng sau khi bà qua đời 14 năm, Tiểu đoàn viên vẫn được Nhà xuất bản Hoàng Quán Đài Loan xuất bản vào ngày 26 tháng 2 năm 2009.
Trương Ái Linh từng nói: “Đây là một câu chuyện tràn đầy tình cảm, tôi muốn diễn tả sự lên thác xuống ghềnh của tình yêu, khi đã hoàn toàn vỡ mộng thì vẫn còn lại chút gì đó”. Chỉ là, cuối cùng bà đã không còn nhiệt tình để kể hết câu chuyện này. Đến nay, Tiểu đoàn viên mà chúng ta đọc được, cũng không biết rốt cuộc là bản thảo nào? Nhưng muôn vàn độc giả trung thành của Trương Ái Linh có thể tìm thấy rất nhiều câu chuyện chân thực về bà trong cuốn sách này, và những gì đã từng tồn tại, sẽ là những hình bóng không thể nào chạm tới được.
Năm 1994, Đối chiếu ký của Trương Ái Linh giành được Giải Văn học có thành tựu đặc biệt của Thời báo Trung Quốc Đài Loan. Vì thế, bà chụp một tấm ảnh, cũng là bức chân dung cuối cùng bà để lại cho người đời. Chúng ta nhìn thấy Trương Ái Linh khi đó đã tóc bạc da mồi, bà rất gầy, nhưng đôi mắt vẫn sáng ngời. Trong tay bà cầm một quyển báo giấy, trên đó in rõ rành hàng chữ lớn màu đen Chủ tịch Kim Nhật Thành đột ngột qua đời vào ngày hôm qua. Người ta phải giật mình, phải chăng bà đang gửi đến chúng ta tín hiệu của cái chết.
Sau này, Trương Ái Linh quyết định đưa tấm ảnh này vào làm trang cuối trong bản tái bản Đối chiếu ký và còn viết thêm một đoạn tự thuật: “Khi viết cuốn sách này, tôi đã nghiên cứu trong cuốn album cũ rất lâu cách để báo tin. Cùng mọi người đọc chung một dòng tin tức, thật là có cảm giác ngay tức khắc ‘cùng chung một lúc góc trời soi chung’. Tờ báo cầm trong tay lại giống như bức ảnh mà bọn bắt cóc gửi cho người nhà con tin, để chứng minh rằng con tin ngày hôm đó vẫn còn sống. Thực ra điều này cũng không phải là so sánh khập khiễng. Có thơ làm chứng rằng: Con người già nua đa số đều là tù binh của thời gian, dù giam cầm cẩn mật nhưng nó đối đãi với tôi vẫn còn tốt, đương nhiên nó cũng có thể mỉm cười mà giết chết tôi bất cứ lúc nào”.
Giấc mộng phù sinh, mấy độ vui say. Cuộc đời khác thường và hoa lệ của Trương Ái Linh không bao lâu nữa sẽ ra mắt chào độc giả trong Đối chiếu ký. Đây là một cõi Ta Bà[1], ồn ào náo nhiệt, đến đến đi đi, duy chỉ từ bỏ, mới là tồn tại.
[1] Cõi Ta Bà: Theo quan điểm Phật giáo, “cõi ta bà” chẳng khác gì quán trọ, nhân loại sống trong cõi này đều giả tạm, vô thường, không thật. Suốt cả cuộc đời chúng ta xoay vòng với sinh, lão, bệnh, tử, bị tiền tài, danh vọng chi phối, bức bách thật khổ não.
Một kiếp cuối cùng
Một đứa trẻ đi xe đạp lao tới, thể hiện bãn lĩnh, hét to một tiếng, rồi thả tay lái ra, đánh võng, lướt qua một cách nhẹ nhàng và đẹp mắt. Khoảng khắc này, trong lòng người trên phố đều tràn ngập một sự ngưỡng mộ không thể nào hiểu nổi. Khoảng trống đáng yêu nhất của đời người chính là lúc buông tay đó chăng?
(Trương Ái Linh ngữ lục)
“Đối tửu đương ca, nhân sinh kỷ hà?/ Thí như triêu lộ, khứ nhật khổ đa” (Trước rượu nên ca/ Đời người bao lâu/ Giống như sương sớm/ Xưa nhiều khổ đau)[1]. Hai nghìn năm trước, Tào Tháo đã viết ra hết tình cảnh và ý vị của nhân sinh. Đế vương khanh tướng nay thành cũ. Đẩu chuyển sao dời vật hóa không. Chỉ là tuế nguyệt sơn hà vẫn còn đó, nhật nguyệt nhân gian mãi trường tồn. Những câu chuyện kể mãi không hết đó, mãi mãi không kết thúc; những linh hồn không đầu thai chuyển thế đó, mãi mãi không già nua.
[1] Đoản ca hành, Tào Tháo, bản dịch của Cao Tự Thanh.
Tiểu đoàn viên của Trương Ái Linh đã uổng phí mất hơn hai mươi năm, trải qua hơn hai mươi mùa xuân thu trau chuốt, rốt cuộc vẫn chưa thể hoàn thành. Có lẽ là tuổi xuân qua mau, có lẽ là sự sắp đặt cố ý của bà. Tóm lại, một cuốn sách chưa hoàn thành, giống như trên cuộc đời này bà vẫn còn tâm sự chưa dứt, trần duyên chưa tận, ai là người đến để vén bức mây mù này đây?
Mùa đông này không dài như năm ngoái, mấy trận tuyết rơi, uống vài bình cà phê, là ngày tháng đã trôi qua. Mùa xuân lạnh lẽo một khi qua đi, là mùa hạ ấm áp tới. Trương Ái Linh vốn dĩ không thích mùa hạ, bà cảm thấy mùa này quá khó chịu, quá dài, đến nay lại cảm thấy mùa hạ thật sạch sẽ và thuần khiết. Rất phù hợp với một thiếu nữ đương xuân, mặc một chiếc sườn xám trắng muốt, ngắt một cành liễu biếc, hát một đoạn Côn khúc uyển chuyển theo điệu Thủy Ma[2]. Còn bà, lười biếng đứng tựa một khung cửa sổ nhỏ, ngắm gió mây ráng chiều, thời khắc tươi đẹp của người khác.
[2] Điệu Thủy Ma: Là một loại kịch bản, làn điệu hý khúc cổ của Trung Quốc. Thời Minh do các nghệ nhân Cố Kiên, Ngụy Lương Phụ tiến hành cải cách loại Côn Sơn xoang trong Tứ đại thanh xoang, vì thế được gọi là Thủy ma điệu. Làn điệu lên bổng trầm uyển chuyển, êm tai dễ nghe.
Những suy nghĩ này đều chỉ là tạm thời, trái tim bà bắt đầu không còn yên tĩnh nữa, mà trở nên hỗn loạn. Tháng năm, năm 1995, Trương Ái Linh yên tĩnh bao lâu nay lại bắt đầu viết thư cho Lâm Thức Đồng, lần nữa yêu cầu chuyển nhà. Bà nói muốn chuyển đến thành phố Phoenix thuộc Arizona, hoặc là Las Vegas của Nevada. Hai địa điểm này đều là sa mạc, có lẽ bà cho rằng sa mạc mênh mông, mới có một nơi sạch sẽ nhất.
Lâm Thức Đồng lần này lại không tôn trọng ý kiến của bà, ông cho rằng Trương Ái Linh tuổi cao sức yếu, không chịu nổi sự khắc nghiệt của khí hậu nơi đây. Không bao lâu sau, Trương Ái Linh lại tiếp tục gọi điện cho Lâm Thức Đồng, nói bà lại bị mắc bệnh da liễu rồi, đến quần áo cũng khó mặc, cả ngày đều phải chiếu đèn tia tử ngoại. Thể chất của bà đã rất yếu ớt, thường xuyên bị cảm, hễ bị cảm là rất lâu ngày mới khỏi được. Trương Ái Linh lại hỏi Lâm Thức Đồng, liệu có thể tìm một căn nhà mới xây khác ở Los Angeles được không? Lâm Thức Đồng nói, tháng bảy là hết kỳ hạn thuê nhà, nhất định sẽ giúp bà tìm được một chỗ ở ổn định.
Nhưng sau đó, Trương Ái Linh không gọi điện cho Lâm Thức Đồng lần nào nữa. Để không gây thêm nhiều phiền phức cho bà, ông cũng không hỏi thêm về chuyện thuê phòng nữa, nhưng Lâm Thức Đồng không ngờ rằng, lần đó lại là lần cuối cùng ông nói chuyện cùng Trương Ái Linh. Người đàn ông đã âm thầm quan tâm chăm sóc Trương Ái Linh hơn mười năm trên đất Mỹ này, hẳn đã đau lòng khôn tả trước sự ra đi của bà.
Đêm trước đêm Trung Thu năm 1995, một ngày vô cùng bình thường, bình tĩnh, đơn giản, không có gì khác biệt. Nhưng Lâm Thức Đồng lại nhận được một cú điện thoại làm trái tim ông kinh sợ, đó là điện thoại của bà chủ nhà người Iran, thông báo cho Lâm Thức Đồng, người phụ nữ Trung Quốc ở trong chung cư đó, đã qua đời rồi. Lâm Thức Đồng không tin, ông nghĩ mới đây mình còn nói chuyện điện thoại với bà, khi ấy bà vẫn hoàn toàn bình thường, còn đòi chuyển nhà cơ mà!
Cho dù ông nghi ngờ thế nào, thì trong lòng ông đã hiểu, Trương Ái Linh qua đời là một sự thực. Lúc ông vội vội vàng vàng đến chung cư trên đường Rochester, thì đã thấy cảnh sát và chủ nhà đang bận rộn. Theo giám định pháp y, Trương Ái Linh đã chết khoảng sáu, bảy ngày, nguyên nhân cái chết là do bệnh tim mạch. Cái chết này đến quá đột ngột, cho dù hàng ngày Trương Ái Linh cũng có không ít bệnh vặt, nhưng Lâm Thức Đồng không biết là bà còn mắc bệnh tim.
Khi Lâm Thức Đồng cho biết thân phận của mình, cảnh sát cho phép ông vào trong nhà của Trương Ái Linh, đây cũng là lần đầu tiên ông bước vào không gian riêng tư của bà. Tất cả đều tĩnh lặng hài hòa, đèn nê ông đang bật, còn tivi thì tắt. Trương Ái Linh mặc một chiếc sườn xám màu huyết dụ, nằm hiền hòa trên tấm thảm tinh xảo đặt giữa phòng khách rộng rãi. Trên người bà không đắp bất cứ thứ nào khác, chân tay đều thả lỏng tự nhiên, nhìn bà gầy gò như thế, cô độc như thế, lại bình tĩnh như thế, ngạo nghễ như thế.
Phòng ở của bà thực sự rất giản đơn, tường màu trắng tinh, không có bất cứ vật trang trí nào. Trên chiếc bàn nhỏ, còn vương vãi mấy trang bản thảo, và một cây bút. Dường như trước khi chết bà vẫn muốn viết tiếp, bà đã từng nói một câu như thế này: “Dài lâu là nỗi giày vò, ngắn ngủi là kiếp người”. Bà mang theo tất cả nỗi giày vò, còn những gì có thể để lại thì không còn nhiều.
Trong một túi xách tay, còn nhét mấy bản thảo lẻ tẻ, còn có một bản thảo của cuốn tiểu thuyết vĩnh viễn không thể hoàn thành, Tiểu đoàn viên. Có lẽ trước khi chết, tự bản thân bà có linh cảm, nên bà đã sắp xếp đồ đạc đâu vào đó, chỉ mang theo linh hồn trống trải của mình. Tài nữ một đời Trương Ái Linh đã chết trong một căn hộ chung cư ở Los Angeles như thế đó.
Bà thích cuộc sống ở chung cư, trong Những chuyện thú vị trong cuộc sống ở chung cư, bà viết: “Những người chán ghét đô thị lớn thường xuyên nhớ lại thôn quê yên tĩnh và thanh bình, tâm tâm niệm niệm mong ngóng sẽ có một ngày có thể cáo lão về quê, nuôi ong trồng rau, hưởng chút phúc nhàn, nhưng không biết ở làng quê chỉ cần mua nhiều hơn nữa cân thịt quay là sẽ dẫn đến biết bao lời bàn tán, còn ở tầng cao nhất của căn hộ chung cư, bạn có thể đứng trước cửa sổ thay quần áo mà chẳng phải ngại ngần chuyện gì cả”.
Bà già cô độc này, đã sống những năm cuối đời mà chẳng hề được yên ổn. Không ngừng thay đổi chỗ ở, không ngừng trốn tránh người đời, ăn đồ ăn nhanh, luôn luôn mở tivi. Bà sợ cô đơn, thích náo nhiệt, nhưng lại muốn cách biệt tất cả khói lửa. Bà đã qua đời trong yên lặng không ai hay biết như thế. Có lẽ, bà ra đi trong một đêm trăng, có người nói vầng trăng lặn và mọc theo bà. Bà ra đời vào mấy ngày sau đêm Trung Thu, thế nên, bà cũng ra đi trước đêm Trung Thu mấy ngày. Bà và vầng trăng thu lạnh lẽo đó, đã kết mối tình duyên cả đời.
Câu cuối cùng trong Cái gông vàng, bà đã viết: “Ánh trăng của ba mươi năm trước đã lặn xuống từ lâu, người của ba mươi năm trước cũng đã chết, vậy mà câu chuyện của ba mươi năm trước vẫn chưa đến hồi kết thúc, mà cũng chẳng thể nào kết thúc được”[2] (Trần Quang Đức dịch). Đúng thế, tuy đã xa rời trần thế, nhưng những câu chuyện liên quan đến Trương Ái Linh, truyền kỳ của Trương Ái Linh, văn chương của Trương Ái Linh, sẽ vĩnh viễn không kết thúc. Mà vầng trăng kết duyên cùng bà đó, vẫn treo giữa bầu trời, đêm đó, chính nó đã tiễn biệt bà. Trăng tròn trăng khuyết, xưa nay không đổi, chỉ là con người, chịu đựng nhiều nhất cũng chỉ được thời gian không quá trăm năm mà thôi.
[2] Trích Chiếc gông vàng, Trương Ái Linh, Trần Quang Đức dịch.
Buổi sớm ngày 19 tháng 9, di thể của Trương Ái Linh được hỏa táng tại nghĩa trang Rose Hill, thành phố Los Angeles. Lâm Thức Đồng tiên sinh đã hoàn toàn tuân theo di nguyện của bà, không cử hành bất cứ nghi thức tưởng niệm nào, khi hỏa táng cũng không có mặt người thân. Ngày 30 tháng 9, là ngày sinh nhật lần thứ 75 của Trương Ái Linh, tro cốt của bà được Lâm Thức Đồng cũng vài người bạn, đưa lên thuyền đem ra biển, sau đó rắc xuống Thái Bình Dương mênh mông vô tận. Đi theo bà, còn có những cành hoa hồng đỏ thắm và trắng muốt. Cầu cho hoa rơi có tình, nước chảy có nghĩa, sẽ đưa tiễn tro cốt của bà về đến cố hương Thượng Hải.
Còn tôi vẫn tin rằng, linh hồn bay bổng của bà, sẽ đến bến đậu đầu tiên là Thượng Hải. Vì bà là một phụ nữ đến từ Thượng Hải, là một giai nhân đi xuyên qua mưa khói Dân Quốc. Cho dù trước khi bà chết, bà đã đánh mất tất cả lý do để nhớ về thành phố này. Nhưng thành phố này vẫn có quá nhiều duyên phận cùng tu với bà, là Thượng Hải đã tạo nên thành công của Trương Ái Linh, cũng là Thượng Hải đã phụ bạc Trương Ái Linh.
Bà sinh ra trong thành phố này, mặc chiếc áo sườn xám đầu tiên của đời người ở nơi này, viết bài văn đầu tiên của đời người ở nơi này, cũng yêu người đàn ông đầu tiên trong sinh mệnh ở nơi này. Đây cũng là chốn bà nhìn thấy nhân tình gầy mòn, non sông mỏng manh, bà nhìn thấu gió mây nổi lên, sóng cuốn trôi hết. Bà từng là một tiểu thư cao quý ở chốn Thập Lý Dương Trường[3], cũng từng là bà lão lang thang ở nơi đất khách quê người. Trái tim của bà, rõ ràng có tình có nghĩa, nhưng lại sống quá cô độc xa cách.
[3] Thập Lý Dương Trường: Một cách gọi khác của Thượng Hải.
Hồ Lan Thành là người hiểu bà, ông nói bà không thích gây sầu gây hận. Nói bà không cần nhập thế, tất cả mọi điều của thời đại sẽ tự đến giao lưu với bà. Bà nói với ông, bởi vì thấu hiểu, cho nên từ bi. Rõ ràng ông thấu hiểu, nhưng không chịu từ bi. Ông đã vứt bỏ lời thề, giống như vứt bỏ chính mình vậy, đã khiến cho bà – người có muôn vàn chấp niệm đã để lỡ mọi điều tốt đẹp. Bà là một phụ nữ có Phật tính, bà có Thiền tâm yêu kiều, cho nên chúng sinh gặp bà, sẽ cảm thấy thế giới này điên đảo, chấn động. Bà là đóa hải đường[4] của Hồ Lan Thành, nhưng người đàn ông này lại không biết trân trọng.
[4] Nguyên văn “Giải ngữ hoa”, tức hoa hải đường, ý chỉ giai nhân diễm lệ.
Bà nói, bà sẽ không thể yêu người khác, sau này, có lẽ thật sự bà không yêu ai nữa. Cuộc hôn nhân ở nơi dị quốc, chẳng qua là một ván cờ trong cuộc đời của bà, bà mỉm cười như hoa nhìn dáng vẻ bản thân vội vã rồi lại ung dung trong trò chơi này. Quay đầu nhìn lại chuyện cũ như sóng triều dâng, những buồn vui đã trôi qua hết thảy, thực sự giống như những quân cờ từ trên tay đặt xuống bàn cờ. Đã đặt xuống rồi thì không thể quay đầu lại, và cũng không cần thiết phải quay đầu.
Bà tự mình tàn úa, chỉ là sự tàn úa của bà không liên quan đến người khác, trung thành với năm tháng, tôn trọng sinh mệnh, để bản thân sống đến da mồi tóc bạc, để cả đời mình cầm bút viết sách. Tháng ngày qua đi, thế sự nhấp nhô. Bà giả vờ yên tĩnh trong non sông thuộc về chính mình; lại giả vờ như lúng túng trong khi bận rộn di chuyển. Thực sự bà luôn muốn tồn tại một cách giản đơn, nhưng nhất cử nhất động của bà đều bị chúng ta coi là kinh hãi thế tục.
Đã từng nói, thế gian không có loài thực vật nào có thể xứng với bà, bao gồm cả loài thảo dược tên là Độc Hoạt[5] cũng không thể. Cho nên, chúng ta không cần hy vọng, cũng không cần tin rằng, trên một loài thực vật nào đó hoặc một người nào đó, sẽ tìm thấy linh hồn của bà, bóng dáng của bà. Trên đời từng có Trương Ái Linh, trên đời chỉ có duy nhất một Trương Ái Linh.
[5] Cái gọi là Khương Thanh, Hộ Khương Sứ, dùng để chữa phong tê thấp, khứ thanh, khứ hàn.
Đều nói, những người đã từng đi lướt qua nhau trên con đường hồng trần, sẽ có một ngày gặp gỡ. Chúng ta cũng không cần mong chờ, sẽ có đoạn cơ duyên ấy với Trương Ái Linh. Bởi vì đời này chỉ là kiếp cuối cùng, bà vĩnh viễn là “hoa soi bóng nước” thời Dân Quốc.
Bạch Lạc Mai
Ngày 14 tháng 11 năm 2011
Phụ lục: Niên phả của Trương Ái Linh
Năm 1920: Chào đời
Ngày 30 tháng 9, Trương Ái Linh chào đời ở Thượng Hải. Nguyên quán Phong Nhuận Hà Bắc, tên tục là Trương Anh, năm 10 tuổi đổi thành Trương Ái Linh, từng dùng bút danh Lương Kinh.
Ông nội là Trương Bội Luân, tên tự là Ấu Tiều, một tên tự khác là Thằng Am, đỗ tiến sĩ thời Đồng Trị, đại biểu nổi tiếng của “Thanh Lưu phái”[1]. Bà ngoại là Lý Cúc Ngẫu, con gái của Trung đường Lý Hồng Chương – tâm phúc của Từ Hy thái hậu.
[1] Một đảng phái chính trị trong nội bộ giai cấp thống trị vào thời Quang Tự nhà Thanh, hình thành vào những năm 70 của thế kỷ 19, đương thời do quân cơ đại thần Lý Hồng Chương vì cảm thấy phái Dương vụ ở phòng quân cơ chiếm đa số, lo sợ thế lực cô lẻ, cho nên đã lung lạc một đám ngự sử và hàn lâm xung quanh mình, phô trương thanh thế, còn gọi là Thanh Lưu đảng.
Cha là Trương Đình Trọng (Chí Nghi) là thiếu gia của gia đình quan lại cũ, sống nhờ di sản của tổ tiên để lại. Mẹ là Hoàng Dật Phạn (Hoàng Tố Quỳnh) là con gái của Hoàng Quân Môn ở Nam Kinh, một phụ nữ tiên tiến thời thượng.
Năm 1921: 1 tuổi
Em trai Trương Tử Tĩnh ra đời.
Năm 1922: 2 tuổi
Cùng cha mẹ chuyển đến ở căn nhà cũ của họ Trương ở Tô giới Pháp thuộc Thiên Tân.
Năm 1925: 5 tuổi
Mẹ cùng cô là Trương Mậu Uyên đi du học Pháp.
Năm 1926: 6 tuổi
Sau khi mẹ đi, cha đón “dì hai” về ở trong nhà. Người thiếp của cha vốn là kỹ nữ, biệt danh Cô Tám. Sau khi vào nhà họ Trương tính tình nóng nảy ghê gớm, thường xuyên cãi cọ vì những chuyện vặt vãnh, sau bị đuổi đi.
Trong nhà mời thầy tư về dạy Trương Ái Linh và em trai, Trương Ái Linh bắt đầu tiếp nhận nền giáo dục tư thục, đọc thuộc kinh thư, thường xuyên khổ sở vì không đọc thuộc được sách vở.
Năm 1928: 8 tuổi
Cả gia đình lại từ Thiên Tân đi tàu đến Thượng Hải. Trương Ái Linh đọc lại Tây du ký trong khoang thuyền. Viết truyện ngắn Làng quê hạnh phúc.
Năm 1930: 10 tuổi
Mùa xuân, sau khi cha khỏi bệnh, trở lại thói cũ, không chịu đưa tiền sinh hoạt phí, để mẹ phải chi tiền, hai người cãi nhau kịch liệt. Cuối cùng đề nghị ly hôn.
Mùa hạ đến mùa thu, Trương Ái Linh nhập học trường Tiểu học Hoàng thị của Thượng Hải, chính thức đổi tên thành Trương Ái Linh.
Năm 1931: 11 tuổi
Mùa thu, học trường Nữ sinh St’s Maria của Thượng Hải.
Năm 1932: 12 tuổi
Được đăng truyện ngắn Cô gái bất hạnh, đây là tác phẩm đầu tiên được đăng trên tập san Phượng Tảo của trường Nữ sinh St’s Maria, cũng là truyện ngắn duy nhất.
Năm 1933: 13 tuổi
Trong một năm này, Trương Ái Linh đã vẽ một bức hoạt họa, gửi đăng báo Đại Mỹ văn báo của Thượng Hải, nhận được năm đồng nhuận bút của tòa soạn báo gửi cho mình, cô đã mua cho mình một cây son nhỏ hiệu Đan Kỳ.
Tản văn Muộn màng đăng trên tập san Phượng Tảo của trường Nữ sinh St’s Maria.
Trương Ái Linh bắt đầu viết truyện dài, viết tiểu thuyết chương hồi trường thiên Hồng lâu mộng hiện đại giống như phái uyên ương hồ điệp.
Năm 1934: 14 tuổi
Mùa hạ, nhập học trường Trung học St’s Maria.
Năm 1936: 16 tuổi
Tản văn Mưa thu đăng trên tập san Phượng Tảo của trường Nữ sinh St’s Maria.
Năm 1937: 17 tuổi
Tùy bút Bàn về tương lai của hoạt hình được đăng trên tập san Phượng Tảo của trường nữ sinh St’s Maria.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian